Bé cao vượt trội nhờ bổ sung canxi đúng cách

bo-sung-can-xi-cho-be

Canxi là một trong những khoáng chất có nhiều vai trò quan trọng nhất đối với sức khỏe. Trong cơ thể, 99% lượng canxi nằm ở xương, răng, móng và chỉ khoảng 1% canxi tồn tại trong máu, phần mềm và dịch thể.

Vai trò của Canxi đối với trẻ

Hầu như mọi người đều biết canxi có vai trò quan trọng giúp hình thành và phát triển hệ xương và răng, giúp phát triển chiều cao ở trẻ. Thế nhưng, ít người biết rằng Canxi còn có vai trò lớn trong hoạt động dẫn truyền thần kinh, co cơ, kích thích sự tiết hormon, điều hòa huyết áp, giúp tăng cường miễn dịch và còn góp phần vào quá trình đông máu. Các quá trình chuyển hóa trong cơ thể đều cần canxi.

Trẻ thiếu canxi thường sẽ gây ra những cơn đau cơ do co thắt gây quấy khóc ở trẻ nhỏ, co cứng cơ (chuột rút bắp chuối) ở trẻ lớn, biếng ăn, mất ngủ, ngủ không sâu, hay giật mình, co giật cơ, ra mồ hôi trộm, rụng tóc, đau nhức chân tay,… Nếu thiếu canxi lâu ngày, trẻ sẽ bị còi xương, chiều cao thấp, giảm sức đề kháng, thần kinh suy nhược, hay quên, dễ cáu gắt, chậm phát triển tinh thần và trí tuệ.

Hàm lượng Canxi phù hợp

Nhu cầu canxi thay đổi theo tuổi, giới và tình trạng sinh lý. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, nhu cầu canxi ở trẻ em tăng dần theo tuổi:

  • Trẻ dưới 6 tháng: 300mg/ngày
  • Trẻ 6-11 tháng: 400mg/ngày
  • Trẻ 1-2 tuổi: 500mg/ngày
  • Trẻ 3-5 tuổi: 600mg/ngày
  • Trẻ 6-7 tuổi: 650mg/ngày
  • Trẻ 8-9 tuổi: 700mg/ngày
  • Trẻ 10-19 tuổi: 1000mg/ngày

Trẻ em cần được bổ sung canxi đầy đủ thông qua các bữa ăn hàng ngày với các thực phẩm giàu canxi như sữa và các chế phẩm của sữa (sữa chua, phô mai), cá cả xương, tôm tép cả vỏ, cua đồng, rong tảo biển, mè, rau có màu xanh thẫm, sản phẩm từ đậu (như đậu hũ… ) hay các thực phẩm tăng cường canxi.

Nano canxi là gì?

Nguồn bổ sung canxi tốt chính là loại có khả năng hấp thu tối đa, ít gây tác dụng bất lợi. Trong đó, canxi nano đáp ứng tốt yêu cầu này nhờ có kích thước siêu nhỏ, nhỏ hơn 100 lần so với canxi thông thường nên có tính hòa tan tốt, giúp hấp thu canxi với lượng tối đa từ ruột vào máu.

Rất hiếm gặp các trường hợp thừa canxi trong máu từ chế độ ăn vì canxi từ thực phẩm khi ăn uống vào nếu dư thừa sẽ được bài tiết ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, cần cẩn thận khi dùng thuốc canxi liều cao kéo dài vì nếu dùng không đúng có thể dẫn tới táo bón, sỏi thận, canxi máu cao, thận làm việc kém hiệu quả và giảm hấp thu các khoáng chất cần thiết khác (như sắt, kẽm, magiê, phospho, i-ốt, đồng).

Để giúp hấp thu canxi tối đa, bên cạnh việc dùng canxi dạng nano, đặc biệt còn sự có mặt của nhiều yếu tố khác như: vitamin D3 (tiếp xúc ánh nắng mặt trời), vitamin K2, đường Lactose (có trong sữa), axit dạ dày, tỷ lệ Canxi/Phospho từ 1-1,5…

Các yếu tố cản trở hấp thu canxi gồm: ăn quá nhiều chất đạm, ăn quá nhiều chất béo, ăn mặn, uống nước ngọt có ga, uống các loại đồ uống chứa caffeine (trà đặc, cà phê), một số bệnh lý đường tiêu hóa, bệnh thận, bệnh nội tiết…

Vai trò của vitamin K2

Vitamin K2 là một loại vitamin có tác dụng hoạt hóa protein tạo xương osteocalcin, giúp gắn canxi vào xương, giúp xây dựng và phát triển khung xương hiệu quả, giảm thiểu việc canxi lắng đọng vào thành mạch. Khi cơ thể thiếu vitamin K2, osteocalcin dù được tạo ra vẫn không có khả năng gắn và mang canxi vào khung xương.

Việc bổ sung canxi kết hợp với bổ sung vitamin K2 sẽ giúp tối ưu hóa việc hấp thu canxi vào xương, giúp trẻ có khung xương chắc khỏe, phát triển chiều cao tốt và khỏe mạnh.

Tags:

Bài viết cũ:

Bài viết tiếp theo:

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *