Site icon Góc Trẻ Thơ

Vì đâu việc học tập lại gây ra áp lực với trẻ

Vì đâu việc học tập lại gây ra áp lực với trẻ

Học tập là một quá trình dài, theo ta đến suốt cuộc đời. Thật hạnh phúc khi mỗi ngày, ta được thỏa sức khám phá biển trời tri thức với đầy sự hào hứng và niềm đam mê. Vậy cớ sao ngày nay lại có nhiều trẻ chịu nhiều áp lực đến từ việc học?

Nguyên nhân khiến việc học trở nên áp lực đối với trẻ

Khi con đến tuổi cắp sách đến trường, ba mẹ thường mong con chăm ngoan, học giỏi, đạt thành tích cao, điều này vừa làm ba mẹ tự hào, vừa dễ thành công trong tương lai.

Để mong muốn ấy thành sự thật, ba mẹ vô tình đặt nặng việc đạt điểm cao ở trường lớp, muốn con đi học thêm nhiều môn để giỏi hơn, thường xuyên so sánh con mình với “con nhà người ta”, trực tiếp chọn lĩnh vực (tự nhiên, xã hội) để con theo học, xa hơn là định hướng sẵn nghề nghiệp tương lai của con,… Mong muốn này đã vô tình tạo nhiều áp lực lên vai con trẻ, khiến con phải gánh lấy và trượt dài trong suốt những năm tháng cuộc đời.

Hơn nữa, trẻ có thể gặp phải những áp lực ở trường lớp như thi cử nhiều, sự cạnh tranh điểm số, thành tích giữa các bạn,…

Những ảnh hưởng của việc chịu áp lực học tập

Những áp lực này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Khi chịu quá nhiều căng thẳng, sức khỏe tinh thần của con bị giảm sút, con trở nên ủ rũ, mệt mỏi, khó chịu, cáu gắt; sự linh hoạt, năng động, sáng tạo bị hạn chế; trẻ dễ chán nản, chán học, thậm chí là sợ học, và tệ hơn lâm vào tình trạng stress kéo dài.

Hơn nữa, sức khỏe thể chất của con cũng bị ảnh hưởng. Khi chịu nhiều áp lực, trẻ có thể không ngủ đúng giờ, đủ giấc; ăn uống thiếu khoa học; hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời có thể dẫn đến các vấn đề như suy giảm khả năng miễn dịch, chậm phát triển chiều cao, thiếu sự nhanh nhẹn, hoạt bát trong các hoạt động xã hội,…

Đặc biệt, nếu con chịu đựng trong thời gian dài sẽ dễ sinh tâm lý sợ học, sợ thi, gây ảnh hưởng tới sinh lý và rối loạn hormone. Có một số bé xuất hiện các hành vi chống đối như bỏ học, trốn học, sa ngã vào game,… thậm chí, có trẻ giải tỏa tiêu cực bằng cách kết thúc sự sống này, nghe thật xót xa!

Một số cách làm giảm áp lực học tập ở trẻ

Ba mẹ là những người đóng vai trò chính trong việc này. Thay vì bắt ép con nhồi nhét kiến thức và vẽ sẵn tương lai cho con, ba mẹ nên để trẻ tự khai mở bầu trời của mình, được học những gì con thích và có đam mê theo đuổi dưới sự quan sát, thấu hiểu, chỉ hướng đúng đắn của ba mẹ.

Bên cạnh đó, mỗi ngày, ba mẹ cần tâm sự với con nhiều hơn để hiểu con, đồng thời đọc vị kịp thời những áp lực con gặp phải ở trường lớp, bạn bè, thầy cô, thậm chí từ chính ba mẹ. Trong trường hợp con đang rất áp lực và mệt mỏi, ba mẹ nên thừa nhận những áp lực con đang phải đối mặt.

Cố gắng chối bỏ và ngó lơ những khó khăn của con chỉ khiến con cảm thấy cô độc và mệt mỏi hơn. Thừa nhận, sau đó thể hiện sự cảm thông, và cùng con tìm cách giải tỏa chính là một trong những cách hiệu quả giúp con đương đầu với áp lực. Mai sau, con sẽ có thêm nhiều kỹ năng trong việc xử lý những vấn đề khó khăn mà con gặp phải.

Đồng thời, ba mẹ cần khuyến khích trẻ ăn uống khoa học, dinh dưỡng; nghỉ ngơi điều độ; vận động cơ thể thường xuyên để đảm bảo sức khỏe một cách tốt nhất.

Mong muốn con giỏi giang, thành công là một ước muốn chính đáng, tuy nhiên ba mẹ đừng để ước muốn ấy là gánh nặng khiến con phải gánh chịu những áp lực trong học tập ở những năm tháng mùa xuân của cuộc đời. Ba mẹ hãy là người lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, chỉ hướng đúng đắn và cho con biết rằng ba mẹ luôn bên cạnh và ủng hộ con trên mỗi bước con đi. Dù có khó khăn, thất bại, ba mẹ vẫn luôn dang rộng vòng tay đón con vào lòng.

Nguồn: Cửa Sổ Vàng

Exit mobile version